Đặc San HQ 21

Đặc San HQ 21
Nha Trang Ngày Về Kỳ 9

Friday, March 4, 2016

Những Ngày Về Hưu



Nhng ngày v hưu


Theo gót các bạn Cao h Síu, Trần d Phước đã hưu từ những năm trước tại Pflugerville TX, đầu tháng 8,2015 Hoàng c Thành chính thức nghỉ hưu. Bây giờ thì đã có rất nhiều thì giờ để ôn lại quá khứ.  
Để coi, phải bắt đầu quá khứ từ lúc nào nhỉ?  Có lẽ phải bắt đầu từ món nợ tinh thần đầu đời.
Năm 1955, sau ngày Mệ tôi mất, mạ tôi đơn lẽ chật vật nuôi 3 anh em tôi với 2 cái thúng oằn trên vai, kẻo kẹt đi về chợ Kế Môn. Chú Long đề nghị cho tôi theo chú vô Ban Mê Thuột để được đi học, đỡ cho mạ tôi một miệng ăn, và may ra tương lai tôi tươi sáng hơn. Tôi xa quê từ đó.
Tôi học trường La-San, đậu tiểu học, và đậu luôn đệ thất vào trường công lập Ban mê Thuột. Hết lớp đệ nhị tôi phải về NhaTrang thi tú tài 1. Đậu xong, tôi xin chú tôi cho về Pleiku, lúc này mạ 2 em tôi đã vào Pleiku lập nghiệp.  Món nợ tinh thần đầu đời là công ơn Chú thím Long đã cho tôi ăn học, có được chút chữ nghĩa ra đời sau này.
Món nợ tinh thần thứ hai khá thú vị. Khoảng năm 1965-1967 trong khi tôi êm ấm trên cao nguyên Dak lak nhà chú Long, ngoài Trung chiến tranh xẫy ra ác liệt vùng giới tuyến thuộc tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên.  Mỹ gọi là vùng DMZ.  Dân làng tôi phải di tản dần về phía Huế.  Do tình cờ, Mạ tôi và 2 em xin tạm trú tại một căn nhà nhân hậu ở làng Thế chí đông.  Đó là nhà của Cao Hữu Síu, mà sau này khi vào TTHL/HQ Nha trang tôi gặp Síu, mới biết 2 gia đình dặn con trai mình tìm tên người kia.  Trước khi nhập ngủ, Síu học Võ Tánh Nha Trang, Thành học đệ nhất trường Cường Để Qui Nhơn, không hề biết nhau!  Mạ và 2 em Thành mang ơn gia đình Síu đã cho tá túc gần 1 năm trước khi Mạ mình quyết định bỏ làng vào Pleiku lập nghiệp.
Món nợ tinh thần thứ ba ở ngay trong Khóa 21 Nhân Mã chúng ta.  Trong khóa chắc không ai không biết 10 Xe Be là biệt danh của Lưu văn Mười, cái thằng vẫn bắt mọi người sáng sáng ra sắp hàng tập thể dục ở Bạch Đằng 2.
Năm 1975, phía bên kia cảng tp Qui Nhơn là 3 đơn vị HQ: CCHQ/QN có Hoàng c Thành, Lê đức Phán, Lâm t Khương, HĐ2ZP/TTHQ có Lưu v Mười, Nguyễn Siềng, Thiệu đăng Nhớ,  TZYT/QN có Phù hòa Ben. Cả đám theo chân đơn vị di tản vô Cát Lái nằm chờ.  30/4/75 chỉ còn Mười, Ben, Thành trèo lên được HQ802, và nhờ cơm của Toàn râu đi tới Subic Bay là tan hàng nhiệm sở. Rời đảo Guam trước mùa bão, Mười và Ben,  vịn bà bầu vào trại Indian Towngap Pennsylvania trước;  tháng sau Thành cũng theo vào khu 4, T94.
Ben may mắn ra học Delaware trước, Mười cũng theo một cô gái Việt khá đẹp ra Easton PA, hình như cô nầy tậu cho Mười 1 cái xe Ford Pinto màu huyết dụ mới keng để hắn đi làm, chẳng bỏ công mấy năm thể dục thẩm mỹ thời trung học. Mấy em gái hậu phương ở Vũng tàu mà nghe tin này chắc ghen hộc máu.  Thành kém may mắn đến tháng 6 năm sau mới được một sponsor độc thân kéo ra, lo cho một chân thợ sơn ở Manasas VA.
Vậy mà một năm sau, một buổi chiều nọ, bổng nhiên xuất hiện trên chiếc Pinto mới keng 3 tên là Mười, Ben và Hùng.  Hắn xuống tận chỗ Thành đang thuê phòng để rũ rê về Easton với hắn; bảo đảm sẽ vừa đi làm vừa đi học như hắn vậy. Chiều đó bọn nầy lái lên Washington DC, uống với nhau 1 chầu tái ngộ sau một thời gian dài rời Indian Towngap.
Hai tháng sau, Thành bỏ việc lái xe lên Easton. Tại đây Ben cũng đã bỏ Delaware về, vậy là bộ 3 Mười, Ben, Thành của Qui Nhơn lại qui về một chổ, sô’ 116 Green street, Easton, PA.  Mỗi cuối tuần trong căn nhà này chắc chắn còn vui hơn buổi chiều đi bờ bằng LCM từ CCHQ/QN sang Qui Nhơn chơi.  Tiếng Việt xổ thả giàn, chẳng bù những ngày làm thợ sơn với Mỹ câm như hến!!!
Viết đến đây Thành phải ngưng, bởi nhớ bà già thằng Mười quá chừng, một bà mẹ miền Nam tiêu biểu.  Bà xem Ben và Thành như con trai trong nhà; đến nỗi thằng Mười nói: “sao Bà cưng thằng Thành hơn tui dzậy?  Món gì ngon Bà cũng để dành cho nó !!!”
 Thời gian đầu, cả ba học trường cộng đồng NCACC, ban ngày đi học, ban đêm làm bảo vệ cho Blum Detective Agency, Thành gác ở Con Agra; Mười, Ben gác ở Equitable Life.   Sau khi chuyễn qua Lehigh University, cả 3 cùng gác ở Equitable Life.  Đi khám các vị trí chỉ trong 15 phút, 45 phút còn lại là giờ làm bài vở.  Bảo vệ đúng là nghề cho sinh viên!!!
Bây giờ mỗi đứa đều có gia đình, mỗi đứa mỗi nơi; nhưng nhớ những ngày xưa cũ thời 75 xa xưa, Mười đã đàn đúm với bạn bè cùng khóa, giúp đở, vui buồn có nhau; cái tình cảm đó, cái tâm tình có trước, có sau đó rất là quí hiếm.  Món nợ tinh thần thứ ba trong đời Thành là vậy.
Trở lại chuyện về hưu.  Năm ngoái 2014, DH8, trong buổi tâm giao tại nhà HT Dương n Lợi ở Melbourne, khi Lợi mang bức tượng Thánh Trần đến giao cho Thành mang về Mỹ, lại cũng thằng Mười vừa chụp hình vừa nói:” tiện nhất là mầy về Texas rồi ôm việc tổ chức DH9 luôn, vì theo biên bản DH7 chưa bầu ai làm HT, chỉ biết sẽ tổ chức DH tới ở Houston Texas nếu DH8 ở Úc không thành.”  Thành phải cực lực phản đối vì dự định sẽ về Việt Nam ở với mạ năm nay 94 tuổi. Thưc tế, nhóm K21 của Nguyễn Kỹ Lăng ở Houston rất nồng nhiệt, hăng hái đón đức Thánh Trần và đang tổ chức DH9 với du thuyền rất rầm rộ.  Bài viết hôm nay cũng là để đóng góp cho Đặc San K21 DH9 do Tôn h Tài phụ trách, viết trong thời gian Thành về hưu, ở với mạ tại làng Kế Môn, Phong Điền, Thừa Thiên Huế.
Đến nay, qua 2 tháng hưu,  Thành thấy ở Mỹ đi làm vui hơn; vì ở sở nhiều người, công việc thoải mái, đầu óc thấy linh hoạt, năng động hơn.  Tại Việt Nam, Mẹ mình 94 tuổi, sức khỏe vẫn tốt tuy đầu óc thỉnh thoảng lẫn, nhớ chuyện này lắp sang chuyện khác.  Thành đã đưa mẹ đi Gia Lai, đi Huế để có không khí khác, nhưng hầu như cứ độ một tuần là bà đòi về lại làng, nơi có lẽ bà cảm thấy an tâm nhất (gần mồ mã, xóm giềng).  Nhờ trong nhà có một người đàn bà trung tuổi giúp việc, thỉnh thoảng Thành một mình ngao du những nơi gần, như Quảng Trị, Đông Hà, rồi trở về nhà ngày hôm sau.
Thành muốn giới thiệu để các bạn có một cuốn sách hay, đọc trong thời gian thư giãn 5 ngày trên Cruise DH9 này. Đó là cuốn “ VietNam’s forgotten Army, heroism and betrayal in the ARVN” của Andrew Wiest, nhà xuất bản New York University Press.
Những chuyến đi chơi Quảng Trị cũng là lúc mình đến những địa danh trong cuốn sách trên. Chuyện xoay quanh 2 nhân vật có thực, tiêu biểu cho bộ binh VNCH thuộc sư đoàn 1 BB, quân đoàn 1:  Thiếu tá Trần ngoc Huế, khóa 18 Võ Bị Đà Lạt, người bị bắt làm tù binh đưa ra Bắc 1971 trong hành quân Lam sơn 719 qua hạ Lào; Trung tá Phạm văn Đính, khóa 9 Thủ Đức, năm 1972 đã đưa trung đoàn 56/SĐ3 BB của mình đầu hàng quân Bắc Việt tại camp Carroll, phía nam Cam Lộ, QL9 Quảng Trị.  Hai sĩ quan biết nhau rõ, đều là anh hùng trong biến cố Tết Mậu Thân 1968, lấy lại cố đô Huế, mỗi người từng chỉ huy đại đội Hắc Báo lừng danh thời đó.   Vậy cái gì đã đưa 2 sĩ quan đến quyết định khác nhau trên trận địa: Thiếu tá Huế 1971 không chịu đầu hàng, phải ở tù ngoài Bắc đến 1983 mới được thả; Trung tá Đính 1972 được Bắc Việt cho giử quân hàm cũ, làm việc tuyên truyền cho giặc, vào tù thăm thiếu tá Huế, muốn chiêu dụ nhưng không thành.
Tác giả Andrew Wiest đã phỏng vấn cả 2 sĩ quan trên, Huệ từ Falls Church VA, Dinh được mời từ VN đến New Orleans LA, chỉ để có cơ hội biên minh cho hành động của mình năm xưa.
Đại khái cuốn sách là như vậy.   Các bạn xem để nhớ lại một thời trong quân ngũ; bọn mình trưởng thành trong cái mùi chiến tranh khốc liệt đó.   Tôi nghĩ phần lớn lính Mỹ chết trong chiến tranh Việt Nam là tại vùng giới tuyến DMZ, thuộc 2 tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên.
Thành đã dùng cái Iphone 3GS cũ bên Mỹ, thay Sim Mobilfone ở Việt Nam, là có thể dùng cái định vị để tìm Cam Lộ, tìm Đông Hà, tìm Ái Tử, đi khắp Quảng Trị bằng cái Honda Cub đời 82, 50 cc, còn tiện hơn cả xe hơi với GPS bên Mỹ!!!
Xin chấm dứt chuyện về hưu.   Hẹn sẽ gặp các bạn năm tới trên Cruise Liberty DH9.


K21 Hoàng công Thành 10/23/2015    

No comments:

Post a Comment